XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH NGẠCH SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc luôn giữ vai trò là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, cần tăng cường thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật để thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Đối tác thương mại quan trọng hàng đầu với thị phần ngày càng tăng
Trong nhiều năm, Trung Quốc luôn là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, thị trường xuất nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời là quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao kỷ lục trong giai đoạn 2013 – 2024. 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của Việt Nam đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu tăng 15,4% và nhập khẩu tăng 17,3%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD. Các thị trường có kim ngạch thương mại lớn nhất gồm: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới 78,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, tương ứng đạt 455,1 tỷ USD. Trung Quốc dẫn đầu nhóm thị trường này với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 105,0% tỷ USD, tăng 32,5%.
Mặc dù nhập siêu từ Trung Quốc đến 62,4% tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: Dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử, nông sản và thủy sản. Việt Nam có 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc, trong đó có 1 nhóm đạt hơn chục tỷ đô là điện thoại và linh kiện (10,86 tỷ USD).
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có sự gia tăng thị phần đáng kể, điển hình như ngành hàng rau quả, thủy sản… Theo đó, 9 tháng đầu năm 2024, hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với trị giá 3,79 tỷ USD, tăng 37,8% (tương ứng tăng 1,04 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024 và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho nước này, với lượng xuất khẩu đạt 459,94 nghìn tấn, trị giá 189,82 triệu USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 31,33% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 40,71% trong 8 tháng đầu năm 2024. Như vậy, ngành chuối Việt Nam đã thay thế vị trí nhà cung cấp số 1 của Philippines và đang chiếm lợi thế tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Mới đây, sầu riêng đông lạnh, dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả đến cuối năm 2024 sẽ đạt 7 tỷ USD, vượt hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đã đề ra.
XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH NGẠCH SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Xuất khẩu chính ngạch là yêu cầu tất yếu để tăng trưởng thương mại bền vững tại thị trường Trung Quốc
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc và Hồng Kông đứng đầu trong 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam có tổng giá trị 5,1 tỷ USD, tương ứng chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 1,33 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng về giá trị. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước nhập khẩu cá thịt trắng lớn nhất thế giới, trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp đứng thứ 2, chủ yếu là cá tra. Kể từ năm 2004 đến năm 2023, Trung Quốc đại lục đã tiêu thụ gần 25 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới; trong đó, kim ngạch nhập khẩu cá tra Việt Nam của Trung Quốc đến nay đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 11% tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc. Với con số kể trên, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên đứng vị trí thứ 2 về cung cấp sản phẩm cá tra cho Trung Quốc (sau Nga) dù nước này mới chỉ bắt đầu nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam từ năm 2012.
Những điểm sáng xuất khẩu kể trên, cùng với xu hướng tăng trưởng thương mại do nhu cầu hàng hóa tăng cao vào các tháng cuối năm, dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc sẽ đạt 200 tỷ USD năm 2024.
Tuy nhiên, do Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”, có đường biên giới tiếp giáp nhau nên bên cạnh xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa giao thương theo con đường trao đổi cư dân qua biên giới (tiểu ngạch) vẫn được duy trì. Đáng nói là, hình thức giao thương bằng đường tiểu ngạch tồn tại khá nhiều rủi ro và bất cập như số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững; hạ tầng thương mại biên giới còn rất thiếu và yếu, đặc biệt là tình trạng hàng hóa thường xuyên bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng hàng hóa, tiến đến xuất khẩu chính ngạch được coi là giải pháp tăng trưởng bền vững cần thực hiện.
Nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng con đường chính ngạch
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói, v.v… Do vậy, để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được Chính phủ Trung Quốc quy định.
Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều hiệp định song phương được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về thương mại như: Hiệp Định Thương mại biên giới Việt – Trung, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp Định Việt Nam – Trung Hoa về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau… Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ thương mại đa phương tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Bên cạnh các yêu cầu và cam kết về chất lượng, xuất xứ… của sản phẩm, các Hiệp định thương mại còn là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch thúc đẩy phát triển sản phẩm, thị trường, gia tăng giá trị hàng hóa.
Điển hình như, với cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2023 đứng đầu trong tổng số các thị trường với 19,4 tỷ USD. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng ưu đãi (theo C/O mẫu E và C/O mẫu RCEP) cao, nhờ đó tận dụng được ưu đãi thuế tốt, bao gồm: Rau quả (6,37% tổng kim ngạch xuất khẩu), xơ sợi dệt (3,65%), cao su và các sản phẩm từ cao su (3,27%), giày dép (3,12%), hàng dệt may (1,39%). Trong tháng 8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hai Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, hiệu lực từ 19/8/2024. Hai Nghị định thư trên sẽ là cơ sở giúp xuất khẩu hai loại trái cây này tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong quý cuối năm.
Ngoài những ưu đãi về thuế, nhờ vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp, vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để gia tăng cạnh tranh xuất khẩu chính ngạch với các quốc gia khác vào thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch sang Trung Quốc không chỉ hạn chế rủi ro đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, mà còn là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu hiện nay.
Ngày 04/10/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP (Nghị định 122) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Nghị định bổ sung quy định hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu. Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa và chủ thể kinh doanh của Việt Nam được đi qua các cửa khẩu, lối mở biên giới quy định tại Nghị định này để ra hoặc vào chợ biên giới của nước có chung đường biên giới, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới.
Theo Nghị định số 122, từ 01/01/2029, khi mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, Nghị định 122 quy định: Từ ngày 01/01/2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa. Với quy định như trên, hàng hóa của Việt Nam sẽ ngừng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc kể từ ngày 01/01/2030.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại quan trọng với thị trường tiêu thụ lớn; đồng thời là thị trường cung ứng phần lớn nguyên liệu cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam ngoài yêu cầu bắt buộc, cần chủ động thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu theo con đường chính ngạch, chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Vận tải hậu Cần Hàng Không Việt Giá Cước Rẻ cho người Việt. Nhà vận chuyển đi Trung Quốc hàng đầu Việt Nam.